[Jeju 2019] Part 1: Đi Jeju tự túc không cần visa


Điều gì đã dẫn mình đến Jeju: Anh người eo Yunho làm đại diện Jeju Air + bộ drama Hàn ‘Warm & Cozy’ bối cảnh Jeju xinh cực + là hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của Hàn Quốc + show của Lee Hyori + MV ‘Nơi này có anh’ của Tùng quay ở Jeju + bộ hình chụp Jeju của chị bạn trên FB. Khi lên kế hoạch cho chuyến du lịch tự túc to to thứ ba này mình càng tin rằng tin mọi chuyện sẽ có thời điểm của nó. Đây là thời điểm của mình với Jeju.

1. THÔNG TIN CƠ BẢN

Vì sao mình chọn đi tự túc Jeju:
+ Đến Jeju không cần xin visa.
+ Jeju đủ lớn để khám phá gần tuần.
+ Du lịch ở Jeju phát triển toàn diện, chính quyền support cho du lịch rất tốt, các thông tin tra cứu dễ dàng bằng tiếng Anh.
+ Có biển, có rừng, có cà phê, có không khí trong lành.
+ Không muốn đi các thể loại mua sâm, mua quýt cập rập theo tour.

Jeju thích hợp cho ai:
+ Muốn du lịch Hàn mà ngại xin visa.
+ Thích nghỉ dưỡng, thích biển, thích núi, thích rừng, thích phong cảnh lãng mạn, nhịp sống chậm rãi.
+ Thích truyền thống văn hóa Hàn.

Chính sách miễn visa của Jeju:  Để kích cầu du lịch, Jeju có chính sách đặc biệt miễn visa cho công dân các nước đến du lịch (trừ Ghana, Nigeria, Macedonia, Sudan, Syria, Yemen, Afghanistan, Iran, Iraq, Kosovo, Cuba, Palestine). Khách du lịch sẽ được nhập cảnh ở Jeju đến 30 ngày (thông tin trên trang web của Bộ du lịch Hàn + mình đã kiểm chứng qua cửa hải quan). NHƯNG bạn chỉ được miễn visa khi nhập cảnh Jeju qua sân bay hoặc cảng tàu thủy Jeju. Việt Nam chưa có đường bay thẳng đến Jeju, nên cách thông thường chính là bay đến Seoul rồi bay tiếp đến Jeju, tuy nhiên, từ SG hoặc HN đến Seoul sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Incheon, bạn phải chuyển đến sân bay nội địa Gimpo mới bay đi Jeju được, nghĩa là bạn phải nhập cảnh vào Hàn, phải có visa Hàn. Còn vụ miễn visa 5 ngày tại Hàn khi có lịch trình bay đi Jeju là dành cho khách đi tour du lịch nhé. Tóm lại để đến Jeju mà không cần xin visa tại Việt Nam thì bạn phải transit ở các nước khác ngoài Hàn rồi bay thẳng đến Jeju. Transit ở nước khác là điều bắt buộc cho đến khi Việt Nam mở đường bay thẳng đến Jeju. Trước khi đi ai cũng dọa coi chừng bị đuổi về, nhưng mình đi rồi thì nhập cảnh dễ dàng lắm các bạn nhé. Chỉ cần ăn mặc lịch sự, đối đáp rõ ràng, có vé máy bay và phiếu đặt khách sạn đầy đủ là được.

Bay đến Jeju bằng cách nào: Nếu bạn nào đã xin được visa Hàn thì cứ thoải mái bay từ HCM -> Seoul rồi đặt vé Jeju Air, Jin Air hoặc Tway Air đến Jeju. Còn ai không xin visa như mình có hai lựa chọn. Lựa chọn hạng sang – Cathay Pacific, giá vé 1 chiều tầm 560USD (chưa thuế phí), transit ở Hong Kong, bao hành lý và suất ăn. Lựa chọn tiết kiệm và dễ dàng hơn xí chính là Air Asia X. Trong lúc tìm kiếm thông tin mình vô tình đọc được bài review của anh travip về đường bay mới mở cuối năm 2017 của Air Asia từ Kuala Lumpur bay thẳng đến Jeju (AirAsia X là hãng con của AirAsia chuyên bay các chuyến đường trung và đường dài). Trời ơi đây đúng là thứ mình tìm, dù phải mua vé hai chặng bay – Sài Gòn đến Kuala Lumpur và KL đến Jeju. Nhân tiện tháng 10/2018 Air Asia khuyến mãi mình book luôn vé đi cho nóng XD (nhớ đăng ký thành viên của Air Asia để được giảm giá và quản lý chuyến bay cho dễ nhé). Ngoài ra, mình được biết có đường bay thẳng Bangkok – Jeju do Eastar khai thác, nhưng hãng này bất tiện chính là không cho đặt từ sớm, chỉ cho đặt gần ngày nên khá bất tiện với đứa thích lên plan như mình, các bạn tham khảo thử.

Từ 1/1/2019 thì từ mỗi thứ hai, thứ ba, thứ năm và thứ bảy sẽ có duy nhất 1 chuyến bay từ Kuala Lumpur đi Jeju và ngược lại. Các tháng năm, sáu, bảy có nhiều vé giá rẻ hơn tháng khác, rẻ nhất là 78USD chưa thuế phí. Đợt mình mua thì cả chuyến đi và về từ Kuala Lumpur đến Jeju đều tầm 90USD cho mỗi người (chưa thuế phí hành lý gì cả). Còn vé từ Sài Gòn đi Kuala Lumpur tầm 51USD. Tính tổng khứ hồi cả hành lý cả bảo hiểm cả ăn uống của hai đứa mình thì hết khoảng 17tr7, tầm gần 9 triệu mỗi đứa.

Vì Air Asia không cho nối hai chuyến nên sau khi bay đến Kuala Lumpur mình phải làm thủ tục nhập cảnh Malay, rồi chờ đến sáng lại xuất cảnh đi Jeju. Các anh chị hải quan Malay có hỏi, mình bảo transit đi Jeju thế là ok. Chỉ cần đưa vé có ngày về là được. Và máy bay đi Jeju to hết hồn, người cũng nhiều hơn mình tưởng luôn.

Nên đến Jeju thời điểm nào: Bạn nào muốn xem mùa hoa anh đào thì đi tầm tháng 3 – tháng 4; muốn xem hoa cải thì tháng 4 – tháng 5. Muốn tắm biển hưởng nắng hè thì tháng 7 – tháng 8 với nhiệt độ trung bình tầm 26-28°C. Theo mình tìm hiểu thì từ tháng 7 các bãi biển ở Jeju mới mở cửa cho tắm. Muốn ngắm con đường lá vàng mùa thu mơ màng thì cuối tháng 10 – tháng 11. Tháng 12 – tháng 2 là thời điểm lạnh nhất ở Jeju nên mình không khuyên đi, vì vừa lạnh vừa gió vừa tuyết vừa mưa, hoa chưa nở, người tiêu điều. Tui chọn đầu tháng 7, vì mong đợi nắng hè, nhưng quên rằng tháng 7 cũng mưa dầm thúi đất. Ban đầu xem dự báo thời tiết thấy trời nắng cũng yên tâm, ai ngờ 1 tuần trước khi bay xem lại toàn mưa là mưa. May mà thời tiết Jeju thay đổi nhanh như chớp, hai ngày đầu mình tới còn mưa gió chứ mấy ngày sau nắng đẹp lắm. Mà dù nắng nhưng không nóng đâu nha, trời vẫn man mát ý.

Tháng 7 là mùa cẩm tú cầu

2. CHUẨN BỊ TRƯỚC CHUYẾN ĐI

Để đến Jeju như mơ và không bị shock hay vỡ mộng khi đi tự túc thì các bạn hãy tìm hiểu kĩ càng thông tin về Jeju trước khi đi nhé.

Chỗ ở:

Jeju_Map_1-1

Đảo Jeju là đảo lớn nhất Hàn Quốc với diện tích gần gấp 3 Seoul. Đến Jeju và di chuyển bằng bus mới thấy nó to hơn mình nghĩ nhiều các bạn ạ, các địa điểm tham quan lại không ở gần nhau nữa nên tùy theo số ngày bạn ở Jeju và lịch trình mà nên quyết định sẽ đặt khách sạn ở khu vực nào trên Jeju.

Jeju có hai thành phố lớn chính là Jeju City (nơi đặt sân bay quốc tế và hành chính, nhiều cafe, bar, club) và Seogwipo City (nơi tập trung nhiều danh lam thắng cảnh). Jeju City cũng chia làm hai khu là Jeju cũ (trên bản đồ ghi là Downtown) và Jeju mới (Shin Jeju). Ở trung tâm đảo Jeju chính là ngọn núi Hallasan thần thánh. Để tiện lên lịch trình, mình chia Jeju làm 4 khu: Bắc Jeju, trung tâm là Jeju City. Nam Jeju, trung tâm là Seogwipo City; mạn Đông Jeju (khu Seongsan và đảo Udo); mạn Tây Jeju (vườn trà O’sulloc, Halim Park, dãy cà phê ở Aewol, một số bảo tàng ở nơi đây). Nếu bạn chỉ có 1-2 ngày ở Jeju, hãy chọn ở Jeju City cho tiện. Nếu bạn có thời gian 4 – 5 ngày, hãy chia đều ở Jeju City và Seogwipo City.

Các bạn có thể book phòng ở booking, agoda hoặc Airbnb. Với những người dự định đặt phòng trước thời gian dài như mềnh (tháng 7 đi mà tháng 11 năm ngoái đã hăm he đặt phòng) thì mình khuyên nên chọn booking. Booking với Agoda là cùng một hệ thống, nhưng cái hay của booking là khi đặt phòng bạn sẽ không bị thu tiền ngay lập tức và bạn sẽ được cancel hoặc thay đổi ngày tháng miễn phí cho đến ngày booking quy định là hủy phải mất phí (thường là 3-4 ngày trước ngày đến ở). Nhờ vậy mà dù bị thay đổi lịch bay nhưng mình vẫn có thể đổi ngày đặt phòng trên booking như thường, và sau khi mình chốt lịch trình, mình cũng hủy 1 chỗ đặt phòng mà mình thấy không cần thiết nhưng không hề mất phí hay phải chờ hoàn trả tiền lại.

Giá khách sạn, hostel ở Hàn cũng khá mắc, phòng ở sạch đẹp có nhà vệ sinh riêng (tụi mình không ở dorm) cũng tầm 1 triệu/phòng/ngày (khoảng 50,000W). Ở Seongsan mình chọn guesthouse Preun Jeju Pension, đi bộ ra đỉnh  Seongsan Ilchulbong tầm 5 – 10 phút và cũng rất gần bến cảng Seongsan ra đảo Udo. Ở Seowipo mình chọn khách sạn BK Hotel Jeju, khách sạn 3 sao ở gần khu trung tâm và gần một số điểm tham quan. Ở Jeju City mình chọn Elin Hotel, nằm gần Tòa nhà hành chính Jeju và chỉ mất 5 phút taxi ra đến sân bay. Ba chỗ đều rất gần trạm bus hoặc có trạm bus ngay cửa. Mỗi ngày ở đều xấp xỉ 1 triệu/ngày/2 người.


Di chuyển:
Đọc nhiều review đều bảo nguồn cơn của nỗi đau khổ khi đi tự túc ở Jeju chính là đây XD Ở Jeju không có Grab hay Uber hay tàu điện ngầm, nên chỉ có ba cách di chuyển chính:

  • Thuê xe tự lái: Nếu ai có bằng lái xe hơi quốc tế, có điều kiện thì đây chính là cách thoải mái và chủ động nhất. Mình xác nhận luôn là tự lái xe sẽ giúp tiết kiệm thời gian kha khá. Nếu ai có bằng lái xe máy quốc tế thì có thể thuê xe máy (bằng lái trong nước hông được đâu nha bên đây khó lắm), giá tầm 30,000W (khoảng 600k)/ngày cho xe 50cc. Link: https://www.facebook.com/jejubikeshop/
  • Đi taxi hoặc thuê taxi trọn gói 1 ngày: Tức là bạn sẽ book một chiếc taxi và deal với bác tài 3-4 điểm tham quan đi trọn ngày. Cách này chủ động và thuận tiện cho những ai không có bằng lái xe hoặc đi theo nhóm đông. Nhưng các bác tài không phải ai cũng rành tiếng Anh và giá khá đắt nếu đi 1-2 người, phải tầm 180.000W-200.000W/ngày (gần 4 triệu)
  • Đi bằng hệ thống bus: Rất nhiều người ca thán về sự phức tạp và không thuận tiện của hệ thống bus tại Jeju khi các chuyến cách nhau quá lâu và tài xế không nói tiếng Anh. Đây là cách rẻ nhất, tiện nhất cho nhóm 2 người và đi dài ngày, nhưng cũng phức tạp nhất khi yêu cầu bạn phải tìm hiểu về hệ thống bus ở Jeju.

Trong 8 ngày ở Jeju, tụi mình di chuyển chính bằng bus, đi bộ và đi taxi 2-3 lần khi các điểm quá xa và quá mất thời gian đi bus. Xin thông báo là đi bus không hề khó các bạn ơi. Từ tháng 8 năm 2017, Jeju đổi mới và cập nhật toàn bộ hệ thống giao thông công cộng, thêm chuyến, quy hoạch về 4 loại bus, phân làm 4 màu, tăng số xe và từ tháng 2 năm nay đã mở rộng phục vụ tiếng Anh trên hệ thống bus. Huhu đúng người đúng thời điểm là đây đó các chế, chứ không với hệ thống lúc trước là tui mù mịt luôn. Nhưng các bạn phải chuẩn bị tinh thần có thể phải chờ bus từ 30p-1 tiếng, hoặc một chặng đi hai chuyến bus nhé.

Mình sẽ nói kĩ phần di chuyển bằng bus này, vì nó tốn kha khá thời gian của mình để tìm hiểu.

Đầu tiên, các bạn cần download app Naver Map. Qua Hàn Google Maps thể hiện không chính xác và khó tra cứu vì bị chính phủ hạn chế, nên ai có ý định tự túc như tụi mình hãy down app Naver Map gấp. Naver Map ngoài chỉ đường còn auto chỉ trạm xe buýt, số xe cần lên, số trạm cần ngồi và cả thời gian dự tính từng chặng; cũng như số tiền taxi phải trả cho chặng ý. Quan trọng nhất là Naver Map có bản tiếng Anh, không cần ngồi mò mẫm từng từ tiếng Hàn nữa. Ngoài ra Naver Map có chức năng tìm những quán ăn, cà phê gần địa điểm đó kèm theo review của người Hàn, tất nhiên là bằng tiếng Hàn, giúp mình tìm được những quán ăn được local yêu thích. Thần thánh tiện lợi lắm các bạn ơi. Những ngày ở Jeju của mình dựa chính vào Naver Map hết.

Thứ hai, các bạn nên có thẻ T-money. Thẻ này giúp các bạn thanh toán khi đi bus, tàu điện ngầm, taxi, cửa hàng tiện lợi và một số hệ thống cafe mà không cần lích kích tiền lẻ. Mua thẻ ở các hệ thống cửa hàng tiện lợi như GS25, CU hay Seven-Eleven nhé, sau đó nạp tiền vào thẻ ở đó luôn. Ngay sân bay Jeju đã có cửa hàng tiện lợi bán T-money rồi. Các bạn đọc chi tiết về T-money ở đây: Thẻ giao thông T-money. Giá một chuyến bus ở Jeju là 1200W, nhưng nếu thanh toán bằng T-money sẽ chỉ còn 1150W thôi, hơn nữa bạn sẽ được miễn phí chuyến bus sau nếu thời gian giữa hai chuyến bus của bạn nằm trong vòng 40ph. Cực tiết kiệm khi đi xa và cần chuyển chuyến. Nếu bạn lỡ nạp nhiều tiền vào T-money mà đến cuối hành trình vẫn chưa xài hết, thì bạn có thể hoàn tiền tại các cửa hàng tiện lợi luôn nhé (sau khi trừ 500W là phí).

Thẻ T-Money mua ở cửa hàng tiện lợi

Có 4 loại bus ở Jeju, được phân theo màu, màu này cũng hiển thị y chang trên Naver Map nha, và ở ngoài xe buýt cũng được sơn màu y vầy luôn:

Màu đỏ là bus nhanh (thường là đi xuyên tỉnh và sẽ mắc hơn). Màu xanh dương bus trong thành phố, màu xanh lá là bus trung chuyển các vùng. Màu vàng là bus cho khách du lịch, một dạng hop on hop off, tuyến đường của bus vàng sẽ là các điểm tham quan nổi tiếng, chia làm 2 route bờ đông và bờ tây. Ở các chuyến bus khác thì bạn cứ lên xe và xuống xe vào bến bạn cần, xuống trạm nào cũng một giá 1150W; nhưng ở những chuyến bus nhanh thì mỗi trạm xuống một giá khác nhau. Mắc nhất là 5000W. Mình để ý thì những chuyến bus xanh dương tầm 15-20 phút lại có một chuyến, bus xanh lá thì lâu hơn, cá biệt có những bus 1 tiếng mới có một chuyến. Đây là hạn chế của việc đi bus vì phải chờ lâu, dẫn đến thời gian di chuyển lâu hơn.

  • Thông tin về hệ thống bus ở Jeju: Link
  • Thông tin về tuyến tourist bus: Link

Cách đi bus:

  1. Tra cứu chuyến bus trên Naver Map, nhớ nhập rõ điểm đến và điểm đi để tra lộ trình chính xác. Tùy theo giờ bạn đi mà Naver Map sẽ đề xuất những tuyến bus khác nhau. Các chuyến cách nhau từ 30 – 60 phút nên hãy cố gắng đi đúng giờ để đừng bị chờ chuyến.
  2. Đa số trạm bus đều có bảng dán tên những chuyến bus dừng ở trạm này và bảng giờ chạy, nhưng đều bằng tiếng Hàn nên hơi khó tra. Lúc này thì hãy để ý đến bảng điện tử tại trạm bus nhé, bảng điện tử sẽ hiển thị bus nào sắp tới, bus nào còn bao nhiêu phút để tới. Hãy nhấn vào nút Language để chọn ngôn ngữ tiếng Anh nhé, bạn có thể search route bus trên ý luôn. Còn nếu trạm nào không có bảng điện tử, hãy mở Naver Map thần thánh ra, nhập số bus vào khung search, nó sẽ hiện cho bạn có bao nhiêu chuyến bus mang số trên đang chạy, và đã chạy đến trạm nào.

    Bảng điện tử báo các chuyến bus đang chạy
  3. Hai trạm xe buýt đối diện nhau sẽ có cùng tên, nên nhớ là hãy tra đúng chiều đi đừng để bị lầm chuyến nhé.
  4. Lên bus sẽ thấy ngay máy quẹt thẻ T-money chỗ gần bác tài, quẹt thẻ một phát để thanh toán tiền bus nhé. Sau đó khi gần đến trạm thì bấm vào chuông gần chỗ ngồi, bác tài sẽ biết để thả bạn xuống. Chuông thường được gắn bên tay trái hoặc phải chỗ ngồi, hoặc là phía trên đầu. Lúc ý lại quẹt thêm phát nữa thẻ T-money vào máy quẹt thẻ để chỗ lên xuống giữa xe hoặc đầu xe. Nhớ quẹt thẻ thì bạn đi tiếp chuyến khác trong vòng 40 phút mới được miễn phí nha. Mỗi lần quét thẻ qua máy thì trên ý sẽ hiện số tiền còn lại trong thẻ cho bạn biết.
    Đưa thẻ vào phần chữ T để quét mỗi lần lên xuống xe buýt, và ấn chuông khi muốn dừng ở trạm nào đó. 

    Số tiền còn lại trong thẻ được hiển thị trên màn hình
  5. Trên xe có màn hình và loa thông báo cho trạm kế tiếp. Tất cả các chuyến đều có tên tiếng Anh tương ứng với tên trên Naver Map hết nên rất dễ theo dõi luôn. Lên xe tài xế và mọi người thường chào nhau, xuống xe thường cảm ơn nhau bằng tiếng Hàn.

    Theo dõi trạm trên màn hình như này
  6. Một trong những chuyến bus mình hay đi là bus 600 Airport Limousine màu đỏ. Đây là bus nhanh di chuyển từ sân bay thành phố Jeju đến Seowipo và ngược lại nên nó đi qua khá nhiều chỗ tham quan. Hơn nữa, các chuyến của bus 600 chỉ cách nhau từ 10-20 phút nên bắt bus rất dễ. Tuy vậy, khi lên xe bạn phải báo tên trạm cho bác tài, để bác tài nhập số tiền tương ứng từng trạm rồi mới quẹt thẻ. Bus 600 cũng có chỗ để hành lý riêng và loa báo từng trạm bằng 4 thứ tiếng.
  7. Đọc rõ hơn trong bài viết này

Tính tổng trong 8 ngày mình xài hết 40.000W tiền xe buýt (tầm 800k) và 32.000W tiền cho hai chuyến taxi. Để bắt taxi thì hãy search quãng đường trên Naver Map, chọn icon chiếc xe hơi để xem ước tính cước taxi cho quãng đường ấy nhé. Các bác taxi ở đây chạy theo km rất đàng hoàng, hầu hết số tiền cuối cùng y chang Naver Map báo luôn ý. Ở Hàn, lái xe sẽ dùng số điện thoại để định vị GPS nơi tới, nên bạn chỉ cần search số điện thoại chỗ cần đến (các thắng cảnh thiên nhiên cũng có số đt luôn), đưa cho chú lái xe là đến đúng chỗ liền.


Cục phát wifi hoặc sim 4G:

  • Nếu bạn đi nhóm tầm 3 người trở lên hoặc đi 2 người mà luôn đi chung với nhau như mình và bạn mình thì nên đặt thiết bị phát wifi 4G giá sẽ rẻ hơn so với sim nhiều, và đi bao nhiêu ngày trả bấy nhiêu ngày. Chỉ phải đặt cọc bằng thẻ tín dụng thôi, các bạn có thể đặt bộ phát wifi nhận ở sân bay Seoul, Gimpo, cảng Busan ở kkday hoặc klook, giá tầm 60k/ngày.
  • Nếu bạn đi 1 mình, ngắn ngày hoặc hay đánh lẻ thì hãy mua sim 4G lắp vào điện thoại xài. Ưu điểm là nhỏ gọn, không cần sạc pin, nhanh tiện. Khuyết điểm là có các gói giới hạn ngày và giá thành cao nếu đi dài ngày so với cục phát wifi.

Vấn đề của mình chính là từ tháng 4/2018, trung tâm Roaming Center của KT Rental – đối tác cho thuê wifi của Klook và kkday tại sân bay Jeju thông báo đóng cửa. KT Telecom, LG Telecom hay SK Telecom là những công ty viễn thông hàng đầu Hàn Quốc, khi thuê cục phát wifi của 3 hãng này thì tốc độ sẽ đạt mức tối đa do không qua trung gian. Mà sim 4G có nhận được ở sân bay Jeju nhưng nó chỉ có gói 1/5/10 ngày. Klook có dịch vụ nhận cục phát wifi ở Hà Nội và TP.HCM với giá 130k/ngày, cọc 1 triệu; nhưng, lại NHƯNG, mình phải bay từ Sài Gòn đi KL trước 1 ngày mình bay đi Jeju và mình bay về Sài Gòn sau 1 ngày khi trở về từ Jeju nên mình bị dư 2 ngày nếu nhận cục phát wifi ở VN, khiến chi phí độn lên tới 1tr3.

Sau mấy ngày lóc cóc tìm thử, mình tìm đuợc dịch vụ cho thuê cục wifi bỏ túi T-mini của hãng SK Telecom có nhận tại sân bay Jeju, hãng viễn thông lớn nhất Hàn trên trang trazy – một trang web gần giống klook chuyên các dịch vụ của Hàn. Còn tiền thuê wifi tầm 3USD/ngày, mình thuê hết 8 ngày là 24USD, chia ra mỗi đứa tầm 270k, giá tương tự như những chỗ mình tìm kiếm, đặt cọc bằng thẻ credit card. Và một bộ kit của nó gồm cả pin sạc dự phòng cho cục phát wifi này luôn, quá ngon. Cục wifi nhỏ gọn cực, một lần sạc đầy mình có thể xài đến tầm 8-9h tối. Chất lượng internet rất nhanh và ổn định.

Cục phát wifi và pin sạc dự phòng của SK Telecom

Một số option Sim và cục phát wifi khác mình tìm hiểu ngoài Klook và kkday:

  • Review về bộ phát wifi của Laxgo và weefee nhận tại VN: link
  • Bộ phát wifi của gohub, nhận tại VN, đặt trên tiki, có thể nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất: link
  • Sim Hàn Quốc 4G dùng 6 ngày dung lượng 3GB giá 266k: link

Chi phí:

Chi phí ăn uống sinh hoạt ở Hàn đã mắc rồi, nhưng nghe bảo chi phí ở Jeju còn mắc hơn Seoul vì là đảo biệt lập nên các bạn hãy chuẩn bị kinh phí dư dả một chút nhé. Đặc biệt là đồ ăn, một bữa ăn ở đây rẻ nhất là 8000W ~ 160k, một bát cơm họ bán 1000W ~ 20k rồi nên một bữa thường thường dao động trong khoảng 10.000W – 20.000W (200k-400k) một bữa. Vé máy bay và tiền hostel của mình hết tầm 12 triệu rưỡi, nên mình nghĩ bạn cần dự trù khoản tiền 22 triệu – 25 triệu cho một chuyến Jeju dài ngày thoải mái.


Các trang thông tin và app hữu ích:

✔ Nguồn tin chính thống, phong phú và đầy đủ cực kì là trang web https://www.visitjeju.net/en/ – trang web chính thức của Cục du lịch Jeju. Đặc biệt là họ giới thiệu rất nhiều chỗ thăm thú, cửa hàng lưu niệm, cà phê local siêu cool, bằng tiếng Anh hoàn toàn. Hãy click vào Reccomend Schedule để tìm các lịch trình du lịch phù hợp nếu bạn chưa biết đi đâu nhé. Hoặc click vào Themed Progams để xem các bài tổng hợp địa điểm, hoạt động theo chủ đề. Bạn có thể download brochure và tourist sightseeing map ở đây nữa. Mình cực kì ngạc nhiên vì lượng thông tin chi tiết ở đây, làm du lịch là phải như này chứ.

✔ Thông tin trên thời báo Jeju: http://www.jejuweekly.com/

✔ Bài review đến Jeju bằng Air Asia của anh travip: Link       

✔ Trang review nhà hàng, tiệm cà phê của Hàn Quốc (kiểu foody): mangoplate

✔App bản đồ, bus: Naver Map


Phần 2 mình sẽ review chi tiết lịch trình của mình ở Jeju nhé~

 

12 thoughts on “[Jeju 2019] Part 1: Đi Jeju tự túc không cần visa”

  1. dạ chào ạ . cho em hỏi là nếu không có visa thì mình bay quá cảnh malaysia rồi bay thăng tới jeju đúng không ạ . em cảm ơn

  2. chào bạn, cho mình hỏi chặng bay về có thể quá cảnh ở seoul đúng k hay phải quá cảnh luôn ở nước thứ 3 vậy bạn? Cám ơn bạn nhé

    1. Nếu quá cảnh Seoul thì bạn phải có visa nhé, vì không xét visa khi bạn bay ra hoặc vào thẳng từ Jeju đến nước khác. Lúc về mình bay lại chặng đường như lúc đi là Jeju – Kuala Lumpur; KL-Saigon.

  3. Hi, sắp tới mình ggia đình mình có kế hoạch đi jeju, đoàn gồm 5 người ( bố, mẹ, cô, em họ, và mình)
    mình , bố mẹ đã đi hàn quốc 1 lần. Hộ chiếu của mình đi nhiều nước. Còn em họ và cô mình mới đi được một nước ĐNA.
    Vậy khi nhập cảnh jeju có gặp khó khăn gì không nhỉ. Xin bạn chỉ ít kinh nghiệm.
    thanks!

    1. Dạ chào anh, xin lỗi anh dạo này em hơi bận nên trả lời trễ. Em trả lời từng câu nha anh.

      – Nhóm tự đi ok ạ, nhưng nếu anh biết lái xe ôto và có bằng lái xe quốc tế để thuê xe tự lái thì siêu tuyệt luôn ạ. Chứ có người lớn mà đi xe buýt công cộng thì sẽ hơi mệt với thiếu chủ động ạ, còn taxi thì hơi mắc ạ.

      – Làm thủ tục rất đơn giản luôn ạ, họ cũng không hỏi nhiều gì. Em với bạn em đều chưa tới Hàn Quốc lần nào, bạn em cũng chỉ mới đi 1 nước đông nam á nhưng làm thủ tục rất nhanh luôn ạ. Anh có thể in booking hotel và vé máy bay khứ hồi để chuẩn bị sẵn cho an tâm ạ.

      – Vào Jeju không visa cần lưu ý là anh chỉ đến và ở Jeju thôi, anh không được đi nơi khác ngoài Jeju. Anh transit ở Hong Kong vào Jeju okie ạ, miễn là từ nước ngoài bay thẳng đến Jeju không ghé qua bất kì tỉnh nào ở Hàn Quốc ạ, ví dụ anh đến Seoul rồi bay đến Jeju thì phải có visa Hàn ạ. Em thấy Bamboo Airline có đường bay từ Đà Nẵng đến Jeju đấy ạ, anh tìm hiểu thử. Em thì trasasansit ở Malay ạ. Hộ chiếu Việt Nam có thể ở trong Jeju 30 ngày ạ.

      Hy vọng có thể giúp được cho anh ạ ^^

  4. Cho mjnh hoi đi như vậy thi đến đảo jeju nhân viên an njnh ktra ntn vậy ạ. Xem hộ chjeu xog cho qua hay ntn vay bạn

    1. Dạ họ xem hộ chiếu, kiểm tra vé máy bay thôi ạ. MÌnh có chuẩn bị sẵn vé máy bay khứ hồi, lịch trình và giấy tờ booking khách sạn nhưng họ không hỏi gì. Chỉ có lúc xuất nhập cảnh ở Malay mới bị hỏi tí, nhưng mình bảo transit đi Jeju là họ cho qua luôn.

  5. Bạn cho mình hỏi lúc bạn nhập cảnh ở jeju qua cửa xuất nhập cảnh nhân viên an ninh lấy dấu vân tay bạn không vậy rất mong dc câu trả lời từ bạn .cảm ơn…!

Leave a comment